Một vài kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại bản Sín Chải - Lào Cai

Bản Sín Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 4 km, nằm trên sườn núi thuộc dãy Hoàng Liên, phần lớn địa phận của Bản nằm trong hoặc sát kề với Vườn quốc gia Hoàng Liên với những dãy rừng nguyên thủy bạt ngàn với hệ sinh thái đa dạng và quý hiếm. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc H' Mông có khoảng 120 hộ gia đình di cư từ Trung quốc sang từ thế kỷ thứ 17. Cuộc sống dựa vào sự du canh, du cư, canh tác nương rẫy và khai thác các sản phẩm từ rừng. Dân tộc H’Mông sống tại Bản Sin chải có một truyền thống văn hóa dân tộc, tập quán, tín ngưỡng tồn tại hàng ngàn đời nay, có một kho tàng về các điệu múa, các bài hát tiếng dân tộc, có hàng thủ công mỹ nghệ, vải, quần áo mang đặc trưng riêng của dân tộc H'Mông...


Do điều kiện địa lý, thủy văn và phong tục tập quán nên người dân ở đây chỉ canh tác một vụ lúa, nên thóc gạo không đủ trang trải quanh năm nhiều nhà đã phải chịu thiếu gạo khoảng 2-3 tháng/ năm, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Người phụ nữ H’Mông cần cù chịu khó, chăm chỉ làm việc làm việc quanh năm, không khi nào được nghỉ tay, họ phải dậy sớm làm quần quật hết các nghề khác nhau như: chăn nuôi, thêu diệt hàng thổ cẩm trong đó hàng thổ cẩm được đánh giá rất cao về tính thẩm mỹ nhưng cuộc sống không thể thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Cộng đồng người H'Mong luôn luôn du canh, du cư, họ luôn thay đổi địa điểm sinh sống và canh tác nên đã ảnh hưởng rất lớn đối với tài nguyên thiên nhiên.
   Về tính cách, cư xử và quan hệ: Người H’Mông do điều kiện sinh hoạt khó khăn chật vật, phải lo cái ăn cái mặc quan năm, nên số lượng người đi học đến nơi đến chốn rất ít; do sống trên rẻo cao, sườn núi ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên sự hồ hởi, nhiệt tình và sự thể hiện ra rất hiếm và rất ít. Vì vậy khi mới tiếp xúc ban đầu với khách, người dân không thể hiện ra mà phải có quá trình am hiểu, hiểu biết và thông cảm thì người H’Mông rất nhiệt tình và mới biết là họ tốt bụng.
   Huyện Sa Pa nói chung và bản Sín Chải nói riêng được thiên nhiên ban cho điều kiện tài nguyên, khí hậu rất tốt thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Ở đây hàng năm đã thu hút được khách đến tham quan nghỉ ngơi, đặc biệt kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập thì lượng khách du lịch quốc tế đến tham quan tăng lên nhanh chóng. Song song với lợi ích kinh tế đạt được từ du lịch, các hoạt động mang tính tiêu cực cũng đã xuất hiện ngày một rõ nét tràn vào các vùng dân tộc thể hiện sự xuống cấp về tài nguyên thiên nhiên bị ảnh hưởng các dãy rừng nguyên sinh đã mở lối cho khách bộ hành, cây bị chặt đi để thi công các con đường cho khách "du lịch sinh thái", một số tài nguyên rừng đang bị khai thác vì cuộc sống mưu sinh và phục vụ cho các nhu cầu đòi hỏi của khách du lịch, thêm vào đó là sự biến mất của những nét văn hóa bản địa và xâm nhập các tệ nạn xã hội đồng hành với phát triển du lịch và vết chân của du khách. Vấn đề này đã làm nẩy sinh ra hàng loạt câu hỏi là phải làm thế nào đảm bảo phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn được các nét bản sắc văn hóa dân bản và mang lại lợi ích kinh tế cho toàn thể cộng đồng.
   Để đáp ứng vấn đề trên, năm 2001. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cùng với Tổ chức Phát triển Hà lan (SNV) đã xây dựng một chương trình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Bản Sín Chải trong khuôn khổ dự án " Tăng cường năng lực cho các sáng kiến về du lịch bền vững ". Tiêu chí của mô hình là thúc đẩy cộng đồng tham gia các dịch vụ du lịch nhằm góp phần phát triển bền vững cộng đồng, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa cộng đồng nhằm giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo. Chính vì thế mô hình du lịch tại bản Sín Chải còn được gọi là Du lịch sinh thái cộng đồng (Comunity - Based Ecotourist).
   Quá trình xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Bản Sín Chải. Do điều kiện khó khăn về mặt địa lý và nhận thức của cộng đồng dân tộc H'Mông nên mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Sín Chải đã được triển khai theo quy trình:
   + Ban quản lý chương trình đã nghiên cứu tổng hợp các vấn đề có liên quan đến chương trình: đặc điểm dân cư, đặc điểm tài nguyên để đánh giá độ hấp dẫn, tính nhạy cảm và khả năng tham gia của cộng đồng. Trong quá trình nghiên cứu lựa chọn điểm có sự tham gia phối hợp của cộng đồng dân cư.
   + Nghiên cứu khả năng có thể bảo tồn tài nguyên, bảo tồn giá trị văn hoá phong tục tập quán. Cũng như khả năng phát triển du lịch, thu hút khách du lịch, các lợi ích do du lịch mang lại cho cộng đồng, nghiên cứu khả năng nguồn tài chính giúp đỡ cộng đồng và nguồn lực khác có ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình.
   + Xác định khả năng cung cấp các dịch vụ du lịch của cộng đồng, xu hướng thị trường khách du lịch
   + Hoạch định đường lối chính sách và lập kế hoạch thực hiện. Nêu ra các định hướng phát triển du lịch, định hướng bảo tồn tài nguyên và môi trường để có các chính sách thích hợp với từng định hướng tạo cơ sở cho việc thành công của kế hoạch thực hiện và lập kế hoạch triển khai cho các chương trình cụ thể, đồng thời lập kế hoạch thực hiện.
   + Phát triển cơ cấu tổ chức và lao động. Xác định khâu điều hành quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý, vai trò tham gia cộng đồng và cơ cấu tổ chức điều hành hoạt động của mô hình.
   + Xây dựng bồi dưỡng trình độ chuyên môn và năng lực cho cộng đồng. Xây dựng các chương trình nâng cao năng lực thông qua các chuyến tham quan, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về các nghiệp vụ dịch vụ du lịch
   + Quảng cáo các sản phẩm dịch vụ du lịch. Đây là vấn đề khó khăn đối với cộng đồng vì hạn chế về trình độ, cơ sở vật chất cũng như tài chính vì vậy cần có sự đóng góp của các cán bộ dự án.
   + Đánh giá, rà soát lại các bước quá trình thực hiện, từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá các mục tiêu, tiêu chí đặt ra ban đầu về công tác bảo tồn hệ sinh thái, văn hoá truyền thống của địa phương, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống và lợi ích kinh tế, xã hội của cộng đồng. 
   Quá trình triển khai thực hiện chương trình là một quá trình vận dụng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau từ vận động, giáo dục đến khuyến khích để tạo ra chuyển biến nhận thức cho cộng đồng vốn gắn liền với các thủ tục lạc hậu hàng ngàn đời để lại
   Kết quả đạt được về phát triển du lịch.
   Hiện nay có khoảng 40 hộ gia đình tham gia các hoạt động cung cấp các dịch vụ cho khách khi đến tham quan du lịch tại bản Sín Chải:
   + Dân bản đã tổ chức cung cấp nhà trọ, ăn uống và một số hộ đã sản xuất cung cấp lương thực thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh.
  + Hướng dẫn, đưa đường khách thực hiện chương trình du lịch leo núi. Tổ chức các chương trình du lịch cho khách tham quan tìm hiểu về hệ sinh thái tại các dãy núi Phanxiphang.
   + Tổ chức hướng dẫn khách tham quan làng bản tìm hiểu về văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống cộng đồng dân tộc.
   + Tổ chức các chương trình văn nghệ biễu diễn phục vụ khách. Trình diễn các hoạt đông sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thêu và dệt.
   Về kinh tế: Sự thành công bước đầu của mô hình là thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan làng bản, tạo ra nguồn thu mới cho cộng đồng dân cư ở Bản Sín Chải. Cộng đồng thoả thuận về phân chia lợi nhuận do hoạt động du lịch mang lại: Doanh thu các dịch vụ du lịch 70% thuộc về dân bản, 15 % thuộc về Ban quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch của làng, 10 % còn lại đóng góp vào quỹ phát triển cơ sở hạ tầng. Thông qua hình thức này mọi người dân của bản đều được hưởng từ lợi ích hoạt động phát triển du lịch.
   Về mặt văn hoá: Hoạt động du lịch đã nâng cao niềm tự hào của người dân trong bản về giá trị văn hoá bản địa đặc biệt cho thế hệ trẻ, cộng đồng dân cư nhận thấy trách nhiệm của mình đối với công tác bảo tồn nền văn hoá dân tộc, cũng như phong tục tập quán.
   Về mặt xã hội, nâng cao được vai trò làm chủ của cộng đồng, trách nhiệm của cộng đồng đối với mỗi thành viên và toàn xã hội, cải thiện được điều kiện sinh hoạt nông thôn, tạo ra sự đổi mới quan hệ và nhận thức tình cảm trong bà con người dân tộc, lòng hiếu khách của người dân, nâng cao được điều kiện sinh hoạt cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi.
   Về môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của bà con dân bản ngày càng được nhận thức cao hơn, có trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên. Bà con bản cũng nhận thấy còn tài nguyên thiên nhiên thì còn có khách du lịch và còn có thu nhập. Môi trường vệ sinh trong bản ngày càng đẹp, gọn gàng ngăn nắp, rác thải được thu gom thường xuyên.
   Rút kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch.
   - Có các bên tham gia. Phát triển du lịch tại Bản Sín Chải có nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực của nhiều cấp, nhiều tổ chức và đoàn thể: Uỷ ban nhân dân các cấp có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển du lịch địa phương thông qua Sở du lịch, phòng du lịch và Ban hỗ trợ phát triển du lịch. Vài trò khởi xướng và tư vấn của các tổ chức phi chính phủ như IUCN, SNV, FF và BRFW. Các tổ chức phi chính phủ này là nguồn cung cấp kỹ thuật, tư vấn các vấn đề kinh tế và cung cấp tài chính. Vai trò của các tổ chức đoàn thể như : Hội phụ nữ, Hội nông dân gương mẫu đi đầu trong việc vấn động các thành viên cộng đồng tham gia vào phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư đã nhanh chóng hiểu được mục đích và sẵn sàng hưởng ứng tham gia vào các chương trình hành động phát triển du lịch, nhưng vẫn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hoá truyền thống và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cuộc sống dân.
   - Đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết: Mọi quyền lợi thu được từ phát triển du lịch phải chia đều cho lợi ích các bên tham gia trong đó lấy cộng đồng dân cư là cơ bản.
   - Phát triển du lịch phải gắn liền với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.
   - Trong điều kiện cho phép phải lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, khai thác nguồn tài nguyên du lịch kết hợp với việc xóa đói giảm nghèo hướng vào các nguyên tắc và tiêu chí phát triển du lịch dựa vào cộng đồng có ý nghĩa thiết thực.
   - Các công ty lữ hành phải tích cực tham gia truyên truyền quảng cáo, thu hút khách du lịch đến tham quan, các tổ chức dịch vụ bồi dưỡng cho cộng đồng về kinh nghiệm, phong cách phục vụ và bồi dưỡng ngoại ngữ cho họ.
Tiến sĩ Võ Quế, Nguồn ITDR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét